Hành Trình Đến Chánh Niệm
- Tác giả: Thiền Sư Henepola Gunaratana
- Người dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
- Chuyên mục: Sách tặng
Mô tả sách
Hành trình đến chánh niệm
Tác giả: Thiền Sư Henepola Gunaratana
Dịch giả: Diệu Liên Lý Thu Linh
NXB Phương Đông 2007
Đó là tên quyển tự truyện của Thiền sư Bhante Henepola Gunaratana, một trong những bậc Đạo sư đã làm rạng danh đất nước Tích Lan, xứ sở có truyền thống Phật giáo lâu đời ở khu vực Nam Á.
Quyển sách được Ngài viết ra vào năm 75 tuổi, sau hơn 60 năm xuất gia tu học. Ở một góc độ nhất định, đây có thể được xem là bảng tổng kết cuộc đời và đạo nghiệp của một nhà Sư với những nét điển hình của một tu sĩ Phật giáo. Tác phẩm đã ghi lại một cách chi tiết,chân xác và hết sức cảm động về hành trình tu tập của Ngài. Chính vì thế, quyển sách, tự thân nó đã có sức sống mãnh liệt, là bài pháp tuyệt vời cho các thế hệ hậu học về tấm gương của sự tinh cần và lòng quyết tâm giải thoát !
Qua tự truyện, Ngài chỉ ra rằng: giáo lý của Đức Phật là những lời hướng dẫn tuyệt diệu, khiến cho một người tầm thường như bản thân tôi có được một cuộc đời tràn đầy hạnh phúc, tràn đầy tự tại. Đây là lý do chủ yếu giúp Thiền Sư bỏ qua những băn khoăn về ngã chấp, quyết định viết lại cuộc đời mình. Đây cũng là thông điệp sâu sắc Ngài muốn gởi đến độc giả, để những người con Phật vững niềm tin vào việc hành trì giáo pháp của Đức Thế tôn và xác tín về khả năng tu tập của chính mình.
Những trang đầu của quyển sách là câu chuyện tuổi thơ của Thiền sư ở một vùng quê nghèo khổ, trong một gia đình lam lũ, đông con. Đó là những bữa ăn đói kém của mấy đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đó là hình ảnh cái sàn nhà được làm bằng bùn, cái giường được làm bằng những bục gỗ thô, trên phủ những bao vải nhồi vỏ dừa khô, cũng là chỗ trú ngụ quanh năm của những con rận giường khát máu người. Cuộc sống vật chất thiếu thốn đến mức tưởng chừng như không thể thiếu hơn được nữa.
Vậy nhưng, ngược lại với sự bần hàn ấy là một đời sống tâm linh sâu sắc, vững chãi mà Ngài được tiếp nhận từ gia đình, ngay thuở ấu thơ. Ông bà thân sinh của Thiền sư là những Phật tử thuần thành, giữ giới luật nghiêm túc và luôn giáo dục con theo đạo đức nhà Phật. Thời công phu hàng ngày của hai người với những bài kinh cầu nguyện mỗi sáng, mỗi tối đã làm thanh tịnh hóa ngôi nhà, đã huân vào tâm thức con trẻ những chủng tử Phật pháp, gieo mầm khát vọng cho lý tưởng xuất gia sau này ở Ngài. Đặc biệt, tấm gương về lòng từ bi của người mẹ hiền luôn để lại những dấu ấn quan trọng ,để rồi Ngài đã từng xem bà gần như là một vị thánh.
Ngôi trường tiểu học, nơi Guranatara và trẻ em trong vùng theo học, là ngôi trường Phật giáo. Bắt đầu mỗi buổi học, bao giờ cũng là nghi thức đọc kinh quy y tam bảo và năm giới cấm của người Phật tử. Giáo lý của Đức Phật đã thấm sâu vào tâm hồn thơ trẻ từ rất sớm để rồi bén rễ xanh chồi trong suốt cuộc đời tu tập của nhà Sư.
Henepola, ngôi làng nghèo khó, quê hương của Thiền sư cũng là một vùng đất có truyền thống Phật giáo sâu sắc thời đó. Gunaratana đã từng có những lần theo mẹ đến chùa nghe quý Sư đọc kinh, giảng Pháp thâu đêm suốt sáng. Cậu bé rất ấn tượng với khả năng kể chuyện, giảng Pháp thuyết phục, giọng đọc tụng êm đềm của quý Sư và lòng tôn kính của Phật tử dành cho quý Ngài…
Tất cả những hình ảnh đẹp ấy đã góp phần nung nấu khát khao trở thành một tu sĩ ở Gunaratana. Lành thay, ước mơ ấy, thiết tha và cháy bỏng trong cậu bé một cách thường trực từ những năm tháng tuổi thơ .Sau này, do sự bốc đồng, nông nổi của tuổi trẻ, Gunaratana có đôi lần trốn chùa, nhưng chí nguyện sống trọn đời tu sĩ vẫn không hề lay chuyển. Đó cũng là lý do giải thích vì sao Ngài đã đi trọn vẹn con đường xuất gia giải thoát, dù đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trên đường tu.
Trong Hành trình đến chánh niệm, Thiền sư đã trải qua những bước ngoặt hết sức quan trọng .Từ khi bước vào hàng ngũ những người xuất gia đến lúc trở thành vị Tăng giữ thứ bậc cao nhất trong Tông phái Siyan Nikaya của Phật giáo nguyên thủy tại Bắc Mỹ- hành trình đó là thành tựu của hơn sáu mươi năm tu tập và hoằng pháp ở hầu hết các châu lục trên thế giới.
Một điểm nhấn quan trọng ở Ngài đó là sự nỗ lực tinh cần không ngừng nghĩ. Đây cũng chính là lời giải thích thuyết phục cho những thành tựu trong đạo nghiệp của thiền sư. Vâng, Ngài đã luôn tinh tấn học tập và miên mật hành trì giáo pháp, nhiệt tình trong tất cả các Phật sự của một tu sĩ, nhất là trong trách nhiệm hoằng pháp với những tầng lớp nghèo khổ , với những mảnh đời nhiều bất hạnh trong xã hội.
Gunaratana là tấm gương tuyệt vời .Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài là bài học vô giá cho các thế hệ hậu học về điều này.
Ngày Sư nhận bằng Tiến sĩ Triết học ở Đại học American, nhiều người đã rất ngạc nhiên hỏi: làm sao Sư tìm ra được thời gian để lấy bằng tiến sĩ? Thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ !
Bằng chính những gì đã trải qua, Thiền sư đi đến kết luận: người ta có thể đạt đến những mục tiêu cao xa, khi họ được trang bị với lòng quyết tâm và nghiệp lành (trang 336).
Bên cạnh sự nỗ lực tinh cần trong suốt đời tu, Ngài cũng luôn có niềm tin sâu sắc rằng: rất nhiều cuộc hành trình và nhiều sự thành tựu của tôi có được là do nghiệp quả từ nhiều đời trước của tôi (trang 336)
Nói cách khác, Thiền sư tin sâu nhân quả, trọn lòng tôn kính, phục vụ và tuyệt đối tin tưởng vào Tam bảo. Ngài tâm sự: là một tu sĩ, tôi đã hiến dâng cuộc đời mình để bảo vệ và duy trì giáo lý của Đức Phật. Ngược lại, Phật pháp cũng đã bảo vệ và duy trì tôi (trang 7)….. Pháp Phật luôn che chở cho tôi, là cánh dù trong những cơn bão tố (trang 341).
Hành trình đến chánh niệm còn là hành trình tu tập miên mật để loại bỏ dần những uế nhiễm : tham, sân, si, phiền não ở một vị tu sĩ. Trong câu chuyện về cuộc đời mình, Thiền sư đã không ngần ngại tường thuật lại những lỗi lầm của bản thân trong giai đoạn đầu, khi vừa mới xuất gia: hay xét lỗi và phán đoán người, tính sân hận, tự mãn…
Với cách viết chân thật này, Ngài chẳng những không tạo cho người đọc cảm giác thần thánh hóa về Ngài, mà trái lại, càng củng cố niềm tin cho mọi người về sự tinh tấn tu tập và kết quả của sự tinh tấn ấy
Ngài chia sẻ: sự chọn lựa duy nhất của chúng ta là phải cố gắng chế ngự các uế nhiễm tham, sân và si nơi bản thân , là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ. Chế ngự được các uế nhiễm này là công phu tu tập của cả một đời…..Câu chuyện của tôi sẽ minh chứng rằng , dẫu những khổ đau của bạn có mãnh liệt tới đâu, bạn cũng sẽ chế ngự được chúng (trang 10.)
Ngài cũng nhắc nhở mọi người, hãy tu hành tinh tấn để chế ngự uế nhiễm, nếu muốn chấm dứt khổ đau ! Với riêng mình, Ngài cũng tự xác định, tôi vẫn còn phải vượt qua đỉnh núi vô cùng tận- đó là sự giác ngộ viên mãn, toàn diện, siêu việt (trang 337)
Hành trình đến chánh niệm có thể được xem là một trong những tác phẩm có giá trị lớn trong việc sách tấn sự tu tập của hành giả. Cuộc đời và đạo nghiệp của Sư Guranatara xứng đáng là tượng đài của ý chí dũng mãnh, là tấm gương và động lực cho những người con Phật. Từng trang sách là một lời nhắc nhở, từng mẫu chuyện là những thời Pháp ngắn mà Thiền sư muốn sẻ chia và truyền trao khát vọng cho thế hệ sau.
Với riêng con, như là một nhân duyên, quyển sách đã khai mở trong con niềm đam mê đọc và học kinh sách Phật. Con đã đọc đi đọc lại tác phẩm rất nhiều lần, vẫn chưa hề chán. Hình ảnh làng quê nghèo Henepola của xứ sở Tích Lan. Hình ảnh cậu bé Guranatara ngoan ngoãn uống từng ngụm thuốc đắng trong vòng tay thương yêu của người mẹ hiền. Đây là hình ảnh mà cả đời, Ngài ghi khắc trong tâm.
Từng bước, từng bước chân của Thiền sư qua các ngôi chùa. Những đắng cay, nghiệt ngã , thậm chí những hiểm nguy đe dọa tính mạng của nhà Sư. Tất cả như một cuốn phim đầy nút thắt, để cuối cùng là một kết thúc có hậu, xứng đáng với những nỗ lực phi thường của nhân vật chính.
Con đã từng có lúc lặng người trên những trang viết thấm đẫm quyết tâm và nghị lực của Thiền sư. Con như được truyền thêm sức mạnh tinh thần từ những trang viết ấy. Nhớ ngày thơ ấu, con đã từng xúc động khi đọc những quyển sách giới thiệu về cuộc đời và nghị lực của các danh nhân. Với những bậc thầy tâm linh, niềm xúc cảm ấy, càng sâu sắc và an bình hơn nữa.
Con xin thành kính tri ân Ngài- Sư Guaranatara, đã cho con động lực tiến tu.
Con xin cảm niệm ân đức của Sư phụ, đã luôn từ bi bố thí Pháp cho con. Khi cho con thỉnh sách, bao giờ Sư phụ cũng gởi gấm niềm tin, con sẽ đọc và làm theo lời Pháp.
Xin được tri ân dịch giả Diệu Liên Lý Thu Linh. Xin được đồng cảm với lời chia sẻ của Cô : đọng lại trong lòng người đọc là một tấm gương sáng về quyết tâm tu hành của một bậc chân tu. Và càng thấy gần gũi, yêu kính hơn những vị tu sĩ mình vẫn gặp hàng ngày.
Cuối cùng, xin cảm ơn những ai đã hùn phước ấn tống Pháp bảo cao quý này, để tác phẩm được đến tay người đọc.
Nguyện mong ngày càng có nhiều người hữu duyên cùng đọc sách và noi theo cuộc đời tu tập của Thiền sư.