Mã sách: 77

Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên

  • Tác giả: Thiền Sư U.Tejaniya
  • Người dịch: Thiền Giữa Đời Thường
  • Chuyên mục: Pháp hành
  • Trạng thái: Còn trong thư viện

Mô tả sách

Khi chánh niệm trở nên tự nhiên

WHEN AWARENESS BECOMES NATURAL

Tác giả: Sayadaw U Tejaniya

Việt dịch: Sūrapañño Tống Dũng

Nhóm biên dịch: Thiền giữa đời thường

Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya

Ý tưởng viết quyển sách này ra đời từ những trải nghiệm thiền tập và lòng hiếu kỳ của chính tôi khi tự hỏi cuộc đời sẽ đem đến cho mình những gì. Năm 13 tuổi, khi tôi lần đầu tiên ngồi cạnh thầy mình là Sayadaw Shwe Oo Min và được Ngài hướng dẫn hành thiền, cuộc đời tôi đã trải qua muôn vàn hạnh phúc lẫn khổ đau. Lúc đó, tôi cũng đã kinh qua nhiều phương pháp thiền tập và nhiều lối sống khác nhau trước khi hoàn toàn theo đuổi vipassanā - kỹ thuật mà thầy tôi đã dạy ban đầu và cũng là pháp môn tôi thực hành, giảng dạy ngày hôm nay. 

Ban đầu tôi định sẽ viết một quyển hồi ký. Tuy nhiên, do cuộc sống và cũng là quá trình thực hành vẫn còn đang tiếp diễn, nên nếu tôi viết một quyển sách về pháp hành chứa đựng các kết quả cũng như những sai lầm, kinh nghiệm về những năm tháng bị trầm cảm cùng với trí tuệ và hiểu biết sinh khởi từ đó thì chắc chắn sẽ phù hợp và truyền được cảm hứng đến cho nhiều hành giả hơn. Vì đây là một quyển sách về pháp hành, nên chúng ta sẽ đề cập chủ yếu tới các vấn đề thiền tập. Thực ra pháp học cũng cần thiết cho việc hành thiền, tuy nhiên, hiện tại chúng ta sẽ chỉ tập trung vào những khía cạnh cốt yếu nhất của việc thực hành chánh niệm, chẳng có gì căn bản hơn thế nữa. 

Là một thiền sư, công việc của tôi là giảng giải Phật pháp theo cách tốt nhất để truyền cảm hứng và động lực cho các hành giả, giúp họ có thể nắm bắt, xây dựng được trí tuệ ban đầu và từ đó khởi sự hành thiền. Điều tôi dạy không mới, tất cả đều dựa trên bốn nền tảng chánh niệm: chánh niệm trên thân, chánh niệm trên cảm thọ, chánh niệm trên tâm và thấu hiểu các pháp (hiểu biết bản chất tự nhiên của danh - sắc). Đây là bốn lĩnh vực được ghi trong kinh Niệm Xứ (Satipathāna-sutta), bản kinh Đức Phật thuyết về chánh niệm. Tôi giảng giải những nội dung này dựa trên kinh nghiệm sống và hành thiền của mình, dùng cách diễn đạt làm sao cho sát nhất với đời sống biến đổi không ngừng của các hành giả ngày nay. 

Nội dung chính của quyển sách này vẫn giống như nội dung trong các quyển sách trước đây của tôi, nhưng có nhấn mạnh thêm ở phần ứng dụng thiền tập vào trong đời sống hằng ngày. Thông qua một số ví dụ về những vướng mắc rất khó phát hiện trong thiền tập của hành giả, chúng ta sẽ tìm hiểu cách vận dụng khéo léo chánh niệm vào đời sống. Bài giảng của tôi sẽ nhấn mạnh chủ yếu đến trí tuệ, trí tuệ bẩm sinh và cách chúng ta có thể sử dụng, vun bồi và phát triển thêm phẩm chất này của tâm. Quan trọng nhất, tôi sẽ nhấn mạnh vào việc phát triển các kỹ năng để nhận diện loại trí tuệ sẵn có này, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, để chúng ta tiếp tục duy trì và xây dựng pháp hành. 

Khi các thiền sinh trình pháp, tôi thấy rằng vấn đề và trải nghiệm của họ thường chứa đựng ít nhiều trạng thái xung đột. Những đau khổ phát sinh, cả về thể chất lẫn tinh thần, thường làm họ bối rối không biết xử lý thế nào. Khi cố gắng chỉ ra những điểm họ đang bám chấp, tôi thường lấy ví dụ bằng kinh nghiệm của bản thân hoặc của các hành giả khác để làm sáng tỏ vấn đề mà họ đang gặp phải. Những mẩu chuyện như thế sẽ được dùng rất nhiều trong suốt quyển sách này để giúp các hành giả thay đổi thái độ hoặc thấy được những quan niệm sai lầm của mình, từ đó bắt đầu nhận diện được những phiền não đang che mờ trong tâm. 

Chương đầu tiên là “Bắt đầu” và ngay cả toàn bộ quyển sách này không chỉ thích hợp cho những ai mới lần đầu tập thiền mà còn là sự tổng kết, nhắc lại dành cho những hành giả lâu năm, những người đôi khi vẫn có thể quên mất rằng trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta vẫn phải luôn “bắt đầu”. Nếu chúng ta có thể đưa cả chánh niệm và trí tuệ vào từng khoảnh khắc một cách kiên trì, liên tục thì sau đó, mọi chuyện sẽ diễn tiến theo tự nhiên, chúng ta sẽ có được đà quán tính để tiến bộ trong pháp hành, chỉ còn cần một nỗ lực duy nhất là giữ lấy sự hứng thú thật sự để theo dõi xem việc hành thiền sẽ đem đến cho chúng ta những gì. Do đó, hãy chánh niệm, sử dụng một ít trí tuệ có sẵn và bắt đầu hành thiền.