Mã sách: 51

Thiền Định Samatha

  • Tác giả: Dr. Mehm Tin Mon
  • Người dịch: Tỳ Kheo Pháp Thông
  • Chuyên mục: Pháp hành
  • Trạng thái: Còn trong thư viện

Mô tả sách

Thiền định samatha

TỨ THÁNH ĐẾ (ARIYA SACCA) 

Tác giả: Dr. Mehm Tin Mon

Dịch giả: Tỳ khưu Pháp Thông

Dr. Mehm Tin Mon

Trong bài pháp đầu tiên gọi là “Chuyển Pháp Luân” (Dhammacakkapavattana), Đức Phật đã giảng giải về Tứ Thánh Đế, pháp tạo thành trọng tâm và hạt nhân của tất cả mọi lời dạy của Ngài sau này. Tứ Thánh Đế cũng biểu trưng cho cốt tử của giáo pháp Đức Phật vì những ai hiểu được những sự thực cao quý này một cách thể nhập và sinh động sẽ trở thành thánh nhân (Ariyas). Vì lẽ chỉ những bậc thánh mới có thể thấu triệt những chân lý thâm sâu này nên chúng được gọi là Thánh Đế (Ariya Sacca — Những Sự Thực Cao Quý). 

Như Đức Phật đã nói: 

“Này các tỳ-kheo, chính do không hiểu biết, không chứng ngộ bốn pháp, mà Ta cũng như các ông, phải lang thang quá lâu trong vòng luân hồi này. Bốn pháp ấy là gì? Đó là: 

Thánh Đế về Khổ (Khổ Đế); Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Đế); Thánh Đế về sự Diệt Khổ (Diệt Đế) và Thánh Đế về Con Đường Dẫn Đến sự Diệt Khổ (Đạo Đế).” (Dīgha-Nikāya, 18) 

  1. Thánh Đế về Khổ (Dukkha Ariya Sacca) 

Thế nào là Thánh Đế về Khổ? 

Sanh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; sống chung với những người hay vật mình không ưa thích, không mong muốn là khổ; xa lìa những người hay vật mình yêu thích và mong muốn là khổ; không đạt được những gì mình cầu xin là khổ; tóm lại: Chấp Thủ Năm Uẩn là khổ. (Dīgha Nikāya 22)

Tất cả chúng sanh đều phải bị sanh, già, bịnh, và cuối cùng là chết như hệ quả tất yếu của nó. Không ai được miễn trừ khỏi bốn loại khổ bất khả tránh này được. 

Ước nguyện không thành cũng khổ. Chúng ta không ai muốn phải gần gũi những vật hay người chúng ta ghét, chúng ta cũng không mong muốn phải xa lìa những vật hay người chúng ta yêu thích. Tuy nhiên, những ước muốn mà chúng ta ấp ủ ấy thường không được toại nguyện. Những cái chúng ta ít hy vọng nhất hay những cái chúng ta ít mong ước nhất lại luôn bắt chúng ta phải đón nhận. Đôi khi những trường hợp không trông đợi, khó ưa như vậy lại trở nên quá đau đớn và không thể chịu đựng được đến nỗi những con người yếu đuối, ngu dốt giống như những đôi tình nhân đau khổ buộc phải tự tử vì nghĩ rằng hành động như vậy sẽ giải quyết được vấn đề.