Mã sách: 218

Trường bộ - Tập 1 - Phẩm Giới uẩn

  • Tác giả: Tỳ Khưu Indacanda
  • Chuyên mục: Pháp học
  • Trạng thái: Còn trong thư viện

Mô tả sách

Trường bộ - Tập 1 - Phẩm Giới uẩn

Chủ biên: Tỳ khưu Indacanda

 

Tam tạng Kinh (Tipitakapali) gồm có 3 Tạng:

- Tạng Luật

-  Tạng Kinh

- Tạng luận/ Vô tỷ Pháp/ Vi Diệu Pháp/Thắng Pháp

Tạng Kinh gồm có 5 bộ:

    • Trường bộ
    • Trung bộ
    • Tương Ung Bộ
    • Tăng Chi Bộ
    • Tiểu Bộ

Có thể nhận xét rằng: Sở dĩ được gọi là Trường bộ vì bộ này là tập hợp những bài kinh (sutta) được ghi nhận là dài (digha) so với bài Kinh thuộc bốn bộ kia. Trường Bộ gồm có 34 bài Kinh (sutta) và được chia thành 3 phẩm (vagga):

  • Phẩm Giới Uẩn (Silakkhandhavagga) gồm có 13 bài Kinh nói về bản thể, nếp sống đạo đức (sila).
  • Phẩm Đại (Mahavagga) gồm có 13 bài King giữa. Phẩm này được đặt tên Maha (Đại) có thể do tên gọi của bài Kinh đầu của phẩm có chữ maha (đại), Mahapadana (Đại Duyên), và cũng có thể do phẩm này có đến 7 bài Kinh bắt đầu bằng chữ maha (đại).
  • Phẩm Pathika (Pathikavagga) gồm có 11 bài Kinh. Tên gọi Pathika của phẩm này có thể được lấy theo tên bài Kinh đầu của phẩm là Pathikavagga (Kinh về Pathikavagga).

Để dễ dàng phân biệt các nguồn văn bản, các từ Pali, Attakatha, Tika (Chánh Tạng, Chú Giải, Sớ Giải) được thêm vào phía sau các tên gọi. Ví dụ: Vinayapitakapali là Chánh Tạng Tạng Luật, Vinayapitaka - atthakatha là Chú Giải Tạng Luật, Vinayapitakatika là Sơ Giải Tạng Luật, Dighanikayapali là Chánh Tạng Trường Bộ, Dighanikaya-atthakatha là Chú Giải Trường Bộ, Dighanikayatika là Sớ Giải Trường Bộ,v.v...

Thông qua 5 bài Kinh đầu của Trường Bộ, có thể nhận xét khái quát rằng Bộ Kinh này giới thiệu bối cảnh xã hội Ấn Độ thời ấy về văn hóa, con người và đương nhiên không thể thiếu các phần giáo lý hướng dẫn con đường tiến đến quả vị giải thoát.

******

Tập sách này giới thiệu bản dịch mới của 5 bài Kinh đầu của Phẩm Giới Uẩn, thuộc Trường Bộ, Tạng Kinh, gồm có:

  1. Kinh Lưới Pháp Cao Thượng (Brahmajalasutta)
  2. Kinh Quả Báo Hạnh Sa Môn (Samannaphalasutta)
  3. Kinh về Ambattha (Ambatthasutta)
  4. Kinh về Sonadanda (Sonadandasutta)
  5. Kinh về Kutadanta (Kutadantasutta)

Bản dịch mới này đóng góp những điểm MỚI nào?

  • Văn bản Pali chúng tôi sử dụng thuộc Tam Tạng Buddha Jayanti Triptitaka Series, mẫu tự Sinhala, của xứ sở Srilanka, và đã được dịch âm sang mẫu văn tự La Tinh. Quý vị có thể tham khảo văn bản dịch âm này ở Tam Tạng Song Ngữ Pali-Việt (TTPV) tập 10 khi đã được hoàn tất.
  • Phần dịch tiếng Việt được bám sát văn bản gốc theo tinh thần cố gắng không bỏ sót chữ nào không dịch.
  • Cách hành văn ở bản dịch cũng được ghi theo cấu trúc của câu văn Pali nhằm chuyển tải được khái niệm gần nhất với văn bản gốc. Điều này đã có nhiều độc giả chỉ trích là "văn phong mang đậm hơi hướng Pali;" tuy nhiên, lại là điều được trân trọng bởi những độc giả có khuynh hướng hoài cổ (!).
  • Hạn chế sử dụng những từ khó hiểu và những từ chỉ có "âm" nhưng không rõ ràng về khái niệm truyền tải.
  • Việc chọn nghĩa cho từ Pali chủ yếu được căn cứ vào từ gốc, tiếp đầu ngữ, tiếp vị ngữ, và quy luật hình thành từ ngữ Pali.
  • Đầu tư nhiều thời gian hơn để khảo Aththakatha (Chú Giải) và Tika (Sớ Giải).
  • Thử nghiệm cách làm việc tập thể để nghiên cứu lời giải thích ở những cụm từ, những câu văn khó từ bản dịch của các xứ quốc giáo thông qua các vị xuất gia đã và đang tu học ở các quốc gia ấy, để thu thập được nhiều phản hồi từ những người đọc có trình độ học vấn khác nhau.
  • Văn bản tiếng Việt ở đây đã được hiệu đính lại, đã được thêm vào các tiêu đề, đồng thời các đoạn văn lớn và các phần đối thoại đã được phân thành nhiều đoạn nhỏ,... nhằm mục đích giúp cho độc giả dễ dàng nắm bắt nội dung và tóm lược ý chính của bài Kinh.

Mục đích chính của việc làm này chủ yếu vẫn là phục vụ cho việc tìm hiểu của cá nhân, sau đó san sẻ lại cho tha nhân có cùng nhu cầu nghiên cứu học Phật. Với phước báu sanh lên, xin thành tâm hồi hướng đến tất cả chúng sanh trong ba giới bốn loài, cầu xin cho tất thảy đều được an vui, tấn hóa trên đường tu Phật.

Ngày 29 tháng 6 năm 2021

Chủ biên,

Tỳ Khưu Indacanda