Mã sách: 79

Vô Ưu

  • Tác giả: Luang Por Liem
  • Người dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
  • Chuyên mục: Pháp hành
  • Trạng thái: Còn trong thư viện

Mô tả sách

Vô Ưu

Tác giả: Luang Por Liem

Dịch giả: Diệu Liên Lý Thu Linh

Thiền Sư Luang Por Liem

Nửa đầu quyển sách là tổng hợp các bài pháp thoại của Luang Por Liem Ṭhitadhammo giảng tại Úc khi ngài viếng thăm nơi này vào tháng Năm, 2004 (Phật lịch 2547). Các bài giảng bằng tiếng Thái, với nhiều gián đoạn để dịch sang tiếng Anh sau đó. Vì cách trình bày đặc biệt này, các bài pháp bị rời rạc từng khúc. Trong suốt chuyến đi, chúng được chọn lựa và tổng hợp lại với các tựa ngắn riêng như trong sách này, hơn là chọn một hay hai bài nói chuyện trọn vẹn. Chúng tôi hy vọng rằng việc biên tập, cắt ngắn và tổng hợp chúng sẽ tạo được một hình ảnh khá tròn đầy về tất cả các chủ đề và ẩn dụ mà Luang Por Liem đã trình bày trong 30 bài nói chuyện, trả lời các câu hỏi trong suốt ba tuần của cuộc viếng thăm. 

Luang Por Liem được Tu viện Bodhivana ở Melbourne mời đến Úc. Tu viện này là chi nhánh mới thành lập của Wat Nong Pah Pong, là nơi ngài tạm trú phần lớn thời gian trong chuyến đi. Phần lớn các bài pháp trong sách này là được thuyết ở đó, một số khác ở Sydney, Bundanoon (Santi Lâm tế viện), và Canberra (Wat Dhammadharo và Đại sứ quán của Hoàng gia Thái).

Phân nửa còn lại của sách phần lớn là dịch từ Tiểu sử Luang Por Liem ở Thái, gọi là “Ṭhitadhammajahn” (2002/2545). Các tài liệu được chọn phác họa sự tiến triển trên con đường đạo của Luang Por Liem, vì thế nhiều mẩu chuyện, giai thoại lý thú trong cuộc đời của một tăng sĩ tu ở rừng, vùng quê Đông Bắc Thái Lan không được tuyển chọn. 

Truyền thống Lâm tế Thái Lan không nhấn mạnh về lý thuyết, nhưng đề cao việc ứng dụng, thực hành. Do đó, việc dịch thuật thường phải đối mặt với vấn đề tìm một sự quân bình giữa sự chính xác về kỹ thuật và tâm ý của những gì đã được nói ra. Nhiều thuật ngữ Pali cũng có ý nghĩa hoàn toàn khác trong ngôn ngữ đời thường của tiếng Thái, là ngôn ngữ được sử dụng trong các bài Pháp thoại của các tăng sĩ Lâm tế. Đa số độc giả có thể không quen thuộc với cách hành văn chi tiết trong các bài Pháp theo truyền thống Lâm tế, qua đó các vị giảng sư có thể thuyết không chuẩn bị trước, không giới hạn đề tài, trong lòng nghĩ gì nói ra thế đó, phát xuất từ kinh nghiệm bản thân hơn là quan điểm có tính bác học. Nếu có nghi hoặc hay thắc mắc phát khởi, người ta thường được khuyên là, nếu muốn hiểu thêm những gì đằng sau lời giảng thì bạn phải tự mình thực hành, tìm hiểu. Điều này rất phù hợp với câu châm ngôn tâm đắc của Luang Por Liem: 

Hãy quan sát, 

khám phá Cho nó tiếng nói, 

Ứng dụng nó, cho nó sự sống. 

Chúng tôi hy vọng rằng quyển sách này là nguồn phấn khích để các độc giả đưa Pháp vào ứng dụng. Chúng tôi thành thật xin lỗi về bất cứ thiếu sót, sơ suất nào có thể có trong sách và - cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng - xin cảm ơn các vị tăng và cư sĩ tại Wat Nong Pah Pong, tu viện Bodhivana, và Wat Pah Nanachat đã giúp đỡ trong việc xuất bản sách này. 

“Tâm thái nhẹ nhàng…, nhẹ nhàng trong mọi hoàn cảnh 

Mọi phiền muộn, âu lo hay những điều như thế không có sẵn trong tâm”.